Bất chấp giá liên tục tăng, xuất khẩu gạo Việt Nam sang nhiều thị trường tăng 3-4 con số, thậm chí xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh gần 16.000% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính được cho là lo ngại ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các nước tăng mua gạo để dự trữ.
Cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6/2023 của cả nước ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá Xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh
Về thị trường xuất khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta trong 5 tháng đầu năm với khối lượng đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng tới 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị phần chiếm đến 40,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng đạt 632.469 tấn (tăng 62,8%), trị giá 364,17 triệu USD (tăng 79,2%), thị phần chiếm 19%.
Indonesia bất ngờ vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần (1.498%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số như: Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%…
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm như: Đài Loan tăng 142,3%, Senegal tăng 1.147%, Chilê tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%… Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này còn khiêm tốn, tuy nhiên mức tăng mạnh thời gian qua cho thấy nhu cầu gia tăng từ các thị trường.
Nguyên nhân khiến các nước này tăng nhập gạo Việt Nam được cho là do hiện tượng El Nino xuất hiện buộc nhiều quốc gia tăng mua gạo để dự trữ. Bên cạnh đó, tại Chile và Thổ Nhĩ Kỳ, hạn hán đe dọa mùa màng trong nhiều năm qua cũng là yếu tố nâng đỡ nhu cầu nhập khẩu gạo của những nước này.
Gạo trắng được xuất khẩu nhiều nhất
Về chủng loại xuất khẩu, gạo trắng là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất, trong 5 tháng đầu năm 2023 khối lượng đạt 2,1 triệu tấn (tăng 60,2%), trị giá hơn 1 tỷ USD (tăng 74%), chiếm đến 57% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tăng so với tỷ trọng 47% của cùng kỳ trước, chủ yếu do nhu cầu tăng cao từ thị trường Philippines và Indonesia.
Xuất khẩu gạo nếp trong 5 tháng đầu năm cũng tăng mạnh 69% so với cùng kỳ lên mức 470.094 tấn, chủ yếu là do nhu cầu từ Trung Quốc – thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất phục hồi mạnh sau khi mở cửa trở lại. Khối lượng xuất khẩu của các chủng loại khác như gạo Nhật và nhóm gạo lứt, gạo vi chất… tăng lần lượt 16,6% và 73% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, gạo thơm xuất khẩu trong 5 tháng đạt hơn 1 triệu tấn (giảm 9,4%), giá trị đạt 560,8 triệu USD (giảm 1,9%).
Các tháng cuối năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam được đánh giá tương đối tích cực do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất ở châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, xuất khẩu có khả năng chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn.
Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội thị trường
Tại cuộc họp mới đây về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nắm bắt, tận dụng những cơ hội thị trường.
Theo đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế; cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc. Tập trung triển khai các đề án đã được phê duyệt như: Đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025”; Đề án “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”. Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và sớm trình Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”…
Đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, trong đó có mặt hàng gạo; tăng cường đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại từng khu vực thị trường để phục vụ định hướng, điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Đặc biệt, nhiều ý kiến doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đại diện doanh nghiệp, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung – dài hạn, chủ yếu là vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Do đó Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Về lâu dài, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng; đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Nguồn: Báo Công Thương
IDA Global – Nâng Tầm Nông Nghiệp Việt Nam