Nhờ lợi thế về logistics và thói quen tiêu dùng nên Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc trở thành khách hàng số một của nông sản Việt.
Thị trường tiềm năng của nông sản Việt
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta đạt 24,59 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nhóm hàng ngành nông nghiệp lần lượt là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, rau quả là mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất, khoảng 1.765 triệu USD, tương đương 65,8% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng.
Đứng thứ hai là mặt hàng cao su với kim ngạch 778,9 triệu USD, sau đó là gỗ và sản phẩm gỗ 706,6 triệu USD, thuỷ sản 634,4 triệu USD, sắn và sản phẩm sắn 522,9 triệu USD.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng ồ ạt mua lượng lớn gạo, cà phê, hạt điều của nước ta.
Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, về nguyên nhân khiến Trung Quốc trở thành khách hàng số 1 của nông sản Việt trong 6 tháng đầu năm 2023, là do sự thuận lợi về chi phí logistic, thời gian vận chuyển và thói quen tiêu dùng đã giúp cho nông sản Việt được thương lái Trung Quốc ưu ái.
Việc Trung Quốc mua nông sản từ thị trường Việt sẽ có chi phí vận chuyển rẻ hơn, chưa kể thời gian nhanh hơn, hạn chế chi phí bảo quản.
Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng rau, quả của thị trường Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với thị trường Việt Nam. Ví dụ như sầu riêng, thanh long là mặt hàng được thị trường này ưa thích. Đây là cơ hội để rau quả Việt Nam phát triển.
Nông dân muốn mở rộng thị trường xuất khẩu
Ông Sơn Văn Luận – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thanh Ngọc, xã Thành Trung (Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết, hợp tác xã trồng khoai của ông có 14 hộ nông dân.
Tuy nhiên, hợp tác xã chỉ đang buôn bán duy nhất với thương lái Trung Quốc nên tồn tại nhiều rủi ro bất cập và chưa đàm phán với thương lái khác bên ngoài được.
“Đây là một con dao hai lưỡi, bởi lời hay lỗ phần lớn là do thương lái người Trung Quốc hết. Thậm chí họ hoàn toàn có thể không mua nếu không ưng” – ông Luận chia sẻ.
Ngoài ra, do hợp tác xã chưa có mã đóng gói để xuất khẩu với số lượng lớn nên chưa thể tự chủ về giá và vẫn còn phụ thuộc các bên trung gian để chuyển hàng.
Từng nhiều lần phải “giải cứu” khoai lang cho các hộ nông dân, nên ông Luận vẫn hy vọng có thể mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới để tránh phụ thuộc.
“Thời gian qua, chúng tôi có gặp và trao đổi với các doanh nhân từ Angola (châu Phi) để đàm phán việc xuất khẩu khoai lang sang thị trường nước này. Tuy nhiên, các thương nhân mới chỉ cân nhắc nhập khẩu các sản phẩm từ khoai lang đã qua chế biến, còn khoai lang tươi họ chưa mấy mặn mà” – ông Luận cho biết.
Ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá, Việt Nam đang đứng thứ 3 trong top các nước xuất khẩu nông sản. Vì vậy, nếu Việt Nam chọn các thị trường xa thì nông sản Việt sẽ mất đi lợi thế. Việc đa số mặt hàng nông sản Việt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Nguồn Báo Lao Động
IDA Global – Nâng Tầm Nông Nghiệp Việt Nam