I. GIỚI THIỆU
Hiện nay, trên thế giới có trên 60 nước trồng xoài (nhiệt đới và á nhiệt đới).
Châu Á chiếm 2/3 diện tích xoài trên thế giới, trong đó Ấn Độ chiếm gần 70% sản lượng xoài thế giới với 9,3 triệu tấn, các nước khác như Thái Lan, Pakistan, Philippin và miền Nam Trung Quốc cũng sản xuất nhiều xoài cung cấp cho thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích trồng xoài năm 2013 là 41.800 ha và sản lượng đạt 417.268 tấn, trong đó xoài Cát Chu chiếm 59,1%, Cát Hòa Lộc 23,2% và xoài khác 17,7%. Dự kiến diện tích trồng xoài đạt khoảng 46.000 ha đến năm 2020.
Hiện tại, Đồng Tháp và Tiền Giang là hai tỉnh sản xuất xoài đứng nhất, nhì ở ĐBSCL, là nơi có quy hoạch vùng chuyên canh cho hai loại xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc. Hai giống xoài này có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng so với các giống xoài khác.
Hiện nay, xoài chủ yếu được tiêu thụ tươi, một ít được đóng hộp, làm nước trái cây, mứt kẹo, kem, sấy khô.
II. NGUỒN GỐC, GIỐNG TRỒNG
Xoài có nguồn gốc từ khu vực Ấn Độ đến Miến Điện. Có 2 nhóm xoài chính là:
– Nhóm xoài có hột đơn phôi (chủ yếu ở Ấn Độ), trái chỉ có 01 phôi hữu tính.
– Nhóm xoài có hột đa phôi (chủ yếu ở Đông Nam Á), trái có từ 2-12 phôi vô tính, thường cho 2-5 cây con, trong đó có thể có 1 phôi hữu tính.
Theo kết quả điều tra năm 1999 (ĐHCT), ở ĐBSCL có 43 giống xoài, trong đó các giống địa phương được trồng phổ biến là Cát Hòa Lộc, xoài Thơm, Cát Chu, Châu Hạng Võ, xoài Bưởi (xoài Ghép), Thanh ca, Tứ Quý. Ngoài ra, còn có một số giống xoài Thái nhập nội như Keow Savoey, Falan, Rad, Lin Ngo Hou, Klangwan, Pim Sane Mun, Nam Dok Mai. Hiện nay, các giống xoài Xoài Úc, Đài Loan, xoài Keo (Campuchia) cũng được trồng rải rác ở một số nơi. Một số đặc điểm nổi trội của một số giống xoài như sau:
– Tỷ lệ ăn được trên 80%: Battambang, Cát Hòa Lộc, Mộng Dừa
– Độ brix trên 20%: Hồng Võ, Ngự, Cát Hòa Lộc
– Dễ ra hoa đậu trái: Thanh Ca, Battambang, Cát Chu, Bưởi
– Thích nghi được trên đất phèn, mặn (0,3-0,6%): Bưởi, Châu Hạng Võ (Châu Nghệ).
– Tỷ lệ hột nhỏ dưới 7% khối lượng trái: Cát Đen, Đốc Binh Kiều.
Đây là các nguồn gen tốt cần được sưu tập để bảo tồn. Kết quả điều tra năm 1999 cũng đã đánh giá được 4 giống xoài có triển vọng phát triển ở vùng ĐBSCL là xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Thơm, xoài Thanh Ca, xoài Châu Hạng Võ.
III. GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG CỦA CÂY XOÀI
Xoài là một trong những cây ăn quả nhiệt đới quan trọng ở nước ta, được trồng phổ biến ở nhiều vùng trong nước để lấy quả, lấy gỗ, làm cây bóng mát, cây cảnh và cây che phủ đất, chống xói mòn. Quả xoài chín có màu sắc hấp dẫn, ăn ngọt, mùi thơm ngon được nhiều người ưa thích và được xem là một loài quả quý. Phân tích thành phần dinh dưỡng trong quả xoài chín R. Singh (1979) cho thấy: nước 86,1%, protein 0,6%, lipit 0,1%, chất khoáng 0,3%, xơ 1,1%, hydratcacbon 11,8%, Ca 0,01%, lần 0,02%, Cu 0,03%, caroten (vitamin A) 4800 đơn vị quốc tế (I.U), vitamin B, 40mg/100 g, vitamin PP 0,3mg/100g, vitamin B 50mg/100g, vitamin C 13mg/100g. Theo Jain (1961), trong quả xoài có các loại đường như saccaroza, glucoza, fructoza và maltoza. Về mặt dinh dưỡng có thể cho rằng xoài là loài quả có nhiều chất dinh dưỡng cần cho người, nhất là nguồn vitamin A và vitamin C.
IV. GIÁ TRỊ KINH TẾ
Quả xoài ngoài ăn tươi còn dùng để chế biến đồ hộp, làm mứt, pure xoài, nước giải khát, cho lên men làm rượu, làm giấm… Nhân hạt xoài có thể làm thuốc sát trùng, hoa dùng làm thuốc và là nguồn mật rất tốt. Lá non có thể cho trâu bò ăn và chiết xuất làm thuốc
nhuộm màu vàng. Tán cây xoài xòe rộng, cao lớn, bộ rễ phát triển khá mạnh và ăn
sâu nên được xem là cây trồng để tăng độ che phủ đất và chống xói mòn rất hữu hiệu. Trong chương trình trồng 5 triệu ha rừng, xoài là cây ăn quả được chọn tham gia vào chương trình trồng rừng và là cây đa tác dụng, vừa là cây ăn quả vừa là cây che phủ bảo vệ môi trường và môi sinh.
Trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp ở nhiều địa phương đã chú ý phát triển cây xoài vì có khả năng chịu hạn, có khả năng thích nghi với nhiều loại đất ở vùng gò đồi, đất cát, đất xám bạc màu… nghèo dinh dưỡng, thiếu nước tưới trong mùa khô, trồng cây lương thực cho năng suất thấp và bấp bênh, thay vào đó cây xoài vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao và thu nhập khá.