Sau khi sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng càng tăng, dẫn tới người dân tại các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng phá bỏ vườn trồng cũ để chuyển sang sầu riêng khiến diện tích cây trồng này đang tăng rất mạnh. Tuy nhiên, so với các loại cây trồng khác thì sầu riêng là loại cây khó trồng và chăm sóc hơn.
Vậy cần bắt đầu như thế nào để canh tác hiệu quả loại cây trồng này, thì bài viết sau đây sẽ hướng dẫn các bạn các bước trồng sầu riêng cơ bản cho người mới bắt đầu.
1. ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH
Đất: có tầng canh tác dầy (3-4 mét), pH từ 5.5 – 6.5. Bên cạnh đó, để sầu riêng đạt năng xuất cao, phẩm chất tốt, tuổi thọ dài,…thì đất có trồng phải có nhiều hữu cơ, không bị mặn, có khả năng thoát nước tốt, hạn chế ngập úng.
Nước tưới và lượng mưa: Sầu riêng là cây ưa ẩm (ẩm độ không khí khoảng 75-85%), và chịu hạn kém. Lượng mưa từ 1.600 – 4.000 mm/năm nhưng tốt nhất là 2.000 mm/năm.
Nhiệt độ: phát triển tốt ở vùng khí hậu nóng và ẩm, nhiệt độ tốt nhất là 24 – 30⁰C. Tuy nhiên, ở nhiệt độ dưới 22⁰C và trên 40⁰C sẽ làm hạn chế sự phát triển, có thể rụng lá và chết cây.
Ánh sáng: khi cây còn nhỏ, nên có sự che chắn để giảm 30 – 40% lượng ánh sáng trực tiếp (khoảng 2.000 giờ/năm). Cây càng lớn càng cần nhiều ánh sáng để đảm bảo cho quá trình quang hợp (khoảng 2.200-2.500 giờ/năm).
Gió: thân sầu riêng yếu, gỗ giòn, dễ gẫy nên thích hợp với điều kiện kín hoặc gió nhẹ.
2. CHỌN CÂY GIỐNG
Chọn giống: có nguồn gốc rõ ràng, cho năng suất cao như giống DONA (Monthong), giống Ri6, giống Cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa. Sử dụng giống cây ghép bằng phương pháp ghép mắt hoặc cành, sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và rút ngắn thời gian chăm sóc.
Tiêu chuẩn cây giống tốt: gốc ghép phải thẳng, bộ rễ phát triển tốt, sinh trưởng khỏe, không mang mầm bệnh. Thân, cành: thẳng, vững chắc, có từ 3 cành cấp 1 trở lên. Lá ngọn đã trưởng thành xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. chiều cao cây: từ 80cm trở lên.
3. CHUẨN BỊ ĐẤT TRỒNG
Thiết kế vườn: đối với vùng đất thấp như Đồng bằng Sông Cửu Long và những nơi có điều kiện tương tự, cần đào mương lên liếp để nâng cao mặt vườn tránh ngập úng. Đối với những vùng cao như Đông Nam Bộ chỉ cần phân khoảng cách trồng, không cần lên líp. Cần đảm bảo hệ thống tiêu nước trong mùa mưa, chứa nước tưới trong mùa khô.
Kích thước liếp và mô:
- Liếp đơn: Mương rộng 2-3m, liếp rộng 5 – 6m.
- Liếp đôi: Mương rộng 5-6m, liếp 12m
- Đấp mô cao: 0.5-0.6m, rộng 0.8-1m
Khoảng cách trồng: vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: 8 x 6-7m. Miền Đông Nam Bộ: 10 x 8m
Chuẩn bị hố trồng: đào hố trên mô sâu và rộng khoảng 0.5-0.6m, bón cho mỗi hố 30kg phân chuồng hoai mục, 200g NPK (16:16:8 hoặc 20:20:15), 0.5-1kg vôi bột và một ít đất mặt, trộn đều, để khoảng 20-25 ngày rồi mới bắt đầu trồng cây.
4. CÁCH TRỒNG
Đặt cây con: Đặt cây vào hố trồng lấp đất ngang mặt bầu cây con, cắm cọc giữ cây khỏi đổ ngã, che bớt ánh sáng và tưới nước ngay sau khi trồng.
Chú ý: Khi vận chuyển cây từ vườn ươm ra ruộng sản xuất, lúc tháo bỏ bao nilon phải thật cẩn thận để cây con không bị tổn thương. Mô đất cần được bồi rộng theo tán cây hàng năm. Cần che bóng cho cây còn nhỏ nhưng không nên che quá 50% ánh sáng mặt trời.
IDA Global – Nâng tầm Nông nghiệp Việt Nam