PHÒNG TRỪ BỆNH ĐẠO ÔN TRÊN LÚA HÈ THU

Bệnh đạo ôn, một trong những dịch hại nguy hiểm số một đối với cây lúa nước ta hiện nay. Ban đầu, vết bệnh xuất hiện là những vết chấm kim nhỏ li ti, nếu không phòng trị kịp thời bệnh sẽ tiếp tục phát triển nhanh, có hình mắt én và làm cho lúa bị sụp mặt, gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sự sinh trưởng bình thường của cây lúa.

Vết bệnh đạo ôn trên lúa (Ảnh: Nhật Linh)

– Đặc biệt vào vụ Hè Thu năm nay, sau khi cấy dặm bà con nông dân thường bón phân thúc đợt 2 để cho lúa đẻ nhánh, tăng số chồi hữu hiệu. Do đó, nếu bón thừa đạm kết hợp với mưa thường xuyên sẽ làm cho lá phượt và kín tán là điều kiện để bệnh đạo ôn bùng phát và gây hại mạnh.

Bệnh đạo ôn không phải là một đối tượng dịch hại mới nhưng do bệnh phát triển rất nhanh nếu không phát hiện kịp thời, cũng như chưa biết đặc điểm, lưu tồn, lây lan của mầm bệnh nên nhiều bà con nông dân chưa chủ động đối phó ngay từ đầu. Bệnh chỉ gây hại nặng đối với những ruộng gieo sạ với mật độ dày, ruộng bón thừa đạm,…khi ruộng bị đạo ôn nặng sẽ đi kèm với bội nhiễm bệnh thối gốc, thối thân do vi khuẩn trên lúa.

 

Bệnh đạo ôn gây hại nặng tại Trà Cú – Trà Vinh (Ảnh: Nhật Linh)

– Bà con nông dân nên áp dụng các giải pháp kết hợp giữa phòng bệnh ngay từ ban đầu và trị bệnh một cách chính xác để quản lý tốt bệnh đạo ôn trên lá.

+ Để phòng bệnh đạo ôn tấn công và gây hại bà con cần phải chọn giống kháng bệnh đạo ôn; xử lý hạt giống trước khi sạ; dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh trên đồng ruộng vụ trước; sạ với mật độ vừa phải; bón phân cân đối, hợp lý và cần tránh bón thừa đạm trên ruộng.

+ Sau khi bón phân lần 2, bà con nông dân nên ra thăm ruộng thường xuyên mỗi ngày, chỗ  nào nền ruộng trũng và lá xanh đậm thì chỗ đó dễ bị bệnh đạo ôn tấn công trước. Quan sát nếu thấy lá xuất hiện chấm kim màu nâu thì đó là thời điểm phun thuốc đạt hiệu quả cao nhất. Quản lý đạo ôn lá bằng một trong số các gốc thuốc sau: Tricyclazole, isoprothiolane,…

+ Trường hợp bệnh đạo ôn nặng, bội nhiễm thối gốc do vi khuẩn, bà con cần nhanh chóng tháo nước xả, xử lý 1-2 lần để nhanh chóng xả bỏ chất độc, mầm bệnh. Sau đó tiến hành phun thuốc BVTV đặc trị đạo ôn bằng các gốc thuốc trên và kết hợp thuốc xử lý vi khuẩn. Một số gốc thuốc sau xử lý vi khuẩn: Oxytetracycline, streptomicine, bronopol, bismerthiazol,…

Chúc bà con nông dân phòng trừ bệnh hiệu quả!

Kỹ sư Nguyễn Duy Cường

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *